Lượt xem: 1890

Quan tâm xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách lãnh đạo và đổi mới phong cách lãnh đạo là vấn đề liên quan trực tiếp đến phẩm chất đạo đức, chất lượng, hiệu quả hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức lãnh đạo nói riêng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan nói chung. Đây cũng là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm nhằm giữ vững bản chất và vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ cách mạng.

 

 

    Phong cách lãnh đạo là cách thức, phương pháp mà người lãnh đạo sử dụng để tác động đến cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan; nó thể hiện tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống của người lãnh đạo. Phong cách lãnh đạo là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả lãnh đạo. Vì vậy, việc xây dựng, đổi mới phong cách người lãnh đạo là vấn đề quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, nhất là khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”. Đây là cách tốt nhất để sửa chữa khuyết điểm, phòng, chống nguy cơ suy thoái của Đảng.

    Xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là toàn diện, bao quát các lĩnh vực và từng vấn đề lãnh đạo. Song, trong tình hình hiện nay, cần tập trung xây dựng, rèn luyện 4 phong cách lãnh đạo cơ bản sau:

    Thứ nhất, xây dựng, rèn luyện phong cách lãnh đạo dân chủ, quyết đoán

    Theo Hồ Chí Minh, chế độ ta là chế độ dân chủ, nên cách lãnh đạo cũng phải dân chủ. Theo đó, các cơ quan khi tổ chức sinh hoạt (cả sinh hoạt đảng và sinh hoạt cơ quan), tất cả đảng viên, nhân viên đều được bày tỏ chính kiến của mình. Người đứng đầu tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan phải tạo điều kiện và khuyến khích mọi người dân chủ trao đổi, đồng thời quan tâm lắng nghe ý kiến của họ, nhất là ý kiến trái chiều. Bởi vì, người lãnh đạo, dù tài giỏi mấy cũng không thể nắm được, biết được mọi việc trong cơ quan. Cho nên, cần phải phát huy được trí tuệ của tập thể. Đó là cơ sở để tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ, sự đồng thuận của cán bộ, nhân viên trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của tổ chức đảng, của cơ quan.

    Biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, nhưng trong lãnh đạo, người đứng đầu phải quyết đoán; dân chủ không có nghĩa là tự do tùy tiện, mà phải tập trung theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán cán bộ “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ”. “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”. Cán bộ lãnh đạo vừa phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, vừa phải quyết đoán, trên cơ sở nhận thức đúng bản chất vấn đề và thẩm quyền của mình; phải biết động viên, khuyến khích để nhân viên và cán bộ cấp dưới không sợ nói sự thật và người đứng đầu, lãnh đạo cấp trên cũng không sợ nghe sự thật. Có vậy, người lãnh đạo các cấp mới biết được năng lực thực sự của đảng viên, cán bộ, công chức. Vì, trong thực tế, năng lực thực tiễn của đảng viên, cán bộ, công chức đôi khi không tương ứng với trình độ thể hiện ở bằng cấp, chứng chỉ đào tạo của họ.

    Phong cách lãnh đạo dân chủ, quyết đoán đối lập với phong cách lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền. Độc đoán, chuyên quyền là kiểu lãnh đạo theo mệnh lệnh, mọi quyền lực đều tập trung vào người lãnh đạo. Họ lãnh đạo chủ yếu bằng ý chí của mình và hiếm khi chấp nhận ý kiến đóng góp từ cấp dưới. Phong cách lãnh đạo dân chủ, quyết đoán cũng đối nghịch với lối lãnh đạo thiếu bản lĩnh. Trong thực tế, có không ít lãnh đạo, quản lý đứng trước một tình huống cụ thể, biết không đúng mà vẫn do dự, biết không nên mà vẫn không thể nói … do thiếu bản lĩnh hoặc do tình cảm chi phối. Ranh giới giữa quyết đoán và độc đoán rất mỏng manh. Quyết đoán không chỉ dùng quyền lực mà còn phải kết hợp giữa tình cảm cách mạng với nền tảng tri thức khoa học để đưa ra quyết định ít mắc sai lầm.

    Thứ hai, xây dựng, rèn luyện phong cách sâu sát cơ sở, gần gũi cấp dưới và Nhân dân

    Làm việc sâu sát, đi vào thực tế, hòa mình trong các hoạt động của nhân viên và phong trào của Nhân dân là phong cách của Hồ Chí Minh. Theo Người, người lãnh đạo biết lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của cấp dưới và của Nhân dân, dù rất nhỏ, sẽ đoàn kết, quy tụ được nhiều người, tạo sức mạnh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Do đó, người lãnh đạo không chỉ thường xuyên dự các hội nghị của các cơ quan thuộc khối, ngành, lĩnh vực mình phụ trách mà quan trọng hơn là phải tích cực đi cơ sở, phải tắm mình trong đời sống thực tiễn để thấu hiểu hơi thở của cuộc sống, nghe được những điều dân nói, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nỗi bức xúc của Nhân dân để có phương cách giải quyết; phải chăm chỉ nắm bắt thông tin, nhất là dư luận xã hội, qua đó thấy được những điều hay, ý kiến tốt, những bất cập trong chỉ đạo, trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước và của cấp mình để chỉ đạo giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, của Nhân dân.

    Để có phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở, gần gũi quần chúng, đòi hỏi người lãnh đạo phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân viên, với Nhân dân và doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, nhưng “không theo đuôi quần chúng”. Chỉ trên cơ sở đó, người lãnh đạo mới có được tính khách quan, minh bạch, mới kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; mới biết được việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn kiểm tra, giám sát tốt thì cán bộ phải “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Trong thực tế, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kiểm tra, giám sát “của các ngành, các cấp không nghiêm túc, chưa chặt chẽ”, “chưa biết dựa vào quần chúng, Nhân dân”; nhiều đoàn đi cơ sở còn nặng về hình thức ...

    Thứ ba, xây dựng, rèn luyện và thực hành phong cách nêu gương, “nói đi đôi với làm”

    Gương mẫu, nêu gương trong lãnh đạo, trong cuộc sống đời thường là biểu hiện quan trọng của phong cách Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi, mỗi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, ở mọi lúc, mọi nơi, trong các mối quan hệ công tác và quan hệ xã hội; đồng thời, phải thực hiện nói đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

    Theo Hồ Chí Minh, muốn đạt được hiệu quả cao trong lãnh đạo, trước hết người lãnh đạo phải là một tấm gương sáng bằng người thật, việc thật. Nếu không vậy thì nói không có người nghe, do đó không thể vận động tập thể và quần chúng làm việc tốt được. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người lãnh đạo mới có được sự tin yêu của tập thể, của cấp dưới, của những người xung quanh và của Nhân dân. Trong tình hình hiện nay, người lãnh đạo, người đứng đầu phải là người dám nói đúng, dám làm theo lẽ phải, dám chịu trách nhiệm với những gì thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

    Thứ tư, xây dựng, rèn luyện phong cách khéo dùng người, trọng dụng nhân tài

    Hồ Chí Minh là mẫu mực trong việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở”. Là con người, ai cũng có sở trường, sở đoản nhất định, hiếm có người toàn diện, toàn tài. Vấn đề là cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải biết người để dùng người cho đúng. Khi xem xét cán bộ, không chỉ xem một việc, một lúc, một khía cạnh nào đó mà phải xem toàn diện, cả lịch sử, cả lời nói, việc làm và cả các quan hệ xã hội của họ. Có hiểu kỹ cán bộ như vậy mới thấy chỗ tốt, chỗ xấu của họ để “khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”.

    Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số căn bệnh làm cho người cán bộ lãnh đạo dùng người không đúng. Đó là: Bệnh cậy thế và kiêu ngạo; bệnh ưa người nịnh mình; bệnh cục bộ địa phương... Do mắc những bệnh ấy đã làm cho người cán bộ lãnh đạo tựa “như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”. Và, do mắc những căn bệnh nêu trên nên khi sử dụng cán bộ, người lãnh đạo thường phạm vào “ba ham”: (i) Ham dùng bà con, anh em quen biết, bạn bè; (ii) Ham dùng những người khéo nịnh hót mình mà không ưa những người chính trục; (iii) Ham dùng những người hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Chính vì "ba ham" này mà nảy sinh tình trạng “yêu nên tốt, “ghét nên xấu”, giúp đỡ theo kiểu “nâng đỡ không trong sáng”. “Như thế là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh tính của người lãnh đạo”.

    Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, người đứng đầu phải chủ động phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài. Đây là công việc thường xuyên, nhưng cũng phải tùy tài mà dùng người. Việc dùng người phải đảm bảo 3 đúng: Đúng người, đúng việc, đúng lúc, nếu không sẽ làm thui chột nhân tài, mất cán bộ. Cần khuyến khích, bảo vệ cán bộ “sáu dám” vì lợi ích chung.

    Xây dựng, rèn luyện những phong cách nói trên của người lãnh đạo, người đứng đầu theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; qua đó “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 5889
  • Trong tuần: 76,596
  • Tất cả: 11,799,916